IELTS share: Kinh nghiệm IELTS 7.0 trong thời gian ngắn

Bài viết này mình sẽ không đi thẳng vào các phương pháp học tiếng Anh mà mình sẽ chia làm 2 phần: phần 1 nói về thái độ, mục tiêu, và quyết tâm, phần 2 là các phương pháp học.

1. Thái độ, mục tiêu, và quyết tâm

Mình dám cá rằng có rất nhiều người được học tiếng Anh từ rất sớm hoặc đã đầu tư rất nhiều vào các lớp học thêm, tài liệu tiếng Anh… mà kết quả vẫn chưa ra đâu vào đâu mặc dù các tài liệu mà “họ” có được đều là tài liệu hay, giáo viên dạy “họ” đều là giáo viên giỏi. Nguyên nhân của việc này là do “họ” chưa có 1 thái độ đúng đắn và tích cực với việc học tiếng Anh, chưa đề ra mục tiêu và chưa nhận rõ tầm quan trọng của việc học tiếng Anh. Không nói đi đâu xa thì mình cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh đó nên mình biết rất rõ và rất muốn đề cập đến vấn đề này.

Để học tiếng Anh được tốt, cái đầu tiên bạn cần có là 1 thái độ nghiêm túc, sau đó là mục tiêu và quyết tâm (nếu có thêm đam mê càng tốt). Quay trở lại câu chuyện của mình, đợt mình bắt đầu tự luyện IELTS, mình biết là chỉ còn 2 tháng là đến hạn apply hồ sơ nên mình phải thi càng sớm càng tốt, sau đó mình đã tự đặt mục tiêu là 1.5 tháng và đặt ra quyết tâm cho việc học nó 1 cách nghiêm túc và bài bản, ví dụ như 1 ngày dành từ 8-10 tiếng cho học tiếng Anh, chưa làm xong bài tập chưa đi ngủ, lúc nào rảnh rỗi cũng lôi sách vở ra làm. Hồi đó là mùa đông, học tiếng Anh, nhất là reading vào buổi tối rất buồn ngủ, nhưng mình cũng đã cố gắng mỗi tối làm 2 reading test trước khi đi ngủ.

Tuy nhiên mình phải học do áp lực thời gian nên mới đặt ra mục tiêu mạo hiểm như vậy, các bạn có dư dả thời gian từ 3-6 tháng hoặc thậm chí 1 năm (ở các trường đại học thường dành 1 năm đầu cho việc lấy chứng chỉ tiếng Anh) thì các bạn cứ từ từ mà học, cái chính là có quyết tâm lôi sách vở ra ôn luyện hàng ngày hay không thôi. Kết quả mà bạn nhận được trong việc học tiếng Anh tỷ lệ với thái độ và khoảng thời gian bạn bỏ ra để học nó 1 cách nghiêm túc!

Mình phải khẳng định 1 điều rằng, nếu bạn không coi việc học tiếng Anh như 1 mục tiêu cần phải đạt được và bạn không cố gắng để đạt được nó mà chỉ làm cho qua loa thì dù cho bạn có nhiều thời gian đến mấy, có học ở các trung tâm tốt đến mấy như BC, IDP, Language link… thì cũng không thể đạt được kết quả cao, nếu bạn không dũng cảm đối mặt với những khó khăn, thử thách trong việc luyện tập nó thì sẽ không bao giờ vượt qua được và sẽ luôn lo sợ nó.

2. Cách học tiếng Anh hiệu quả

a) Listening

Trong lúc học tiếng Anh, mình gần như không để tâm đến việc luyện nghe, nhưng lại có kết quả cao nhất (7.5), đó là bởi vì mình đã luyện nghe bằng các cách đặc biệt mà không mất công sức. Các bạn nên ghi nhớ 1 điều rằng luyện nghe và nói là 2 kỹ năng quan trọng nhất trong việc học tiếng Anh vì chúng là những kỹ năng cần thiết để có thể tồn tại được trong 1 môi trường mà chỉ có tiếng Anh, lấy ví dụ như 1 đứa trẻ sơ sinh, lúc mới sinh ra chỉ biết nghe, sau đó mới biết nói rồi mới biết đọc, biết viết, đó là 1 quá trình tự nhiên, chúng ta nên học theo chứ không nên đi ngược lại nó. Một số người rất giỏi Reading và Writing, giỏi ngữ pháp và cấu trúc câu nhưng lại không thể giao tiếp được và học mãi cũng khó mà giao tiếp được vì khi listening và speaking thì nó là phản xạ tự nhiên, dựa vào kinh nghiệm và kĩ năng chứ không phải là việc chọn lọc mẫu câu, tìm hoàn cảnh cho phù hợp rồi mới nói ra. Rõ ràng rằng trong khi nói tiếng Việt, bạn không bao giờ để ý xem bạn đang dùng ở quá khứ hay tương lai hay hiện tại mà cứ bật miệng là nói được ra, lúc viết cũng như vậy. Vì thế nên nếu bạn tốt ở Listening và Speaking thì Reading và Writing cũng không phải 1 trở ngại khó. Quay trở lại với bài, mình sẽ nêu ra các phương pháp luyện nghe hiệu quả:

• Passive Listening (Nghe thụ động)

Mình coi đây là phương pháp bắt buộc phải sử dụng, ý tưởng của phương pháp này cũng giống như cách trẻ em nghe, lúc đầu không hiểu, nghe không rõ, nhưng nghe nhiều, nghe quen, tự dưng bạn sẽ hiểu. Cách làm thì rất đơn giản, bạn tìm thật nhiều tài liệu để luyện nghe, sau đó cho vào máy nghe nhạc, điện thoại, máy tính… Rồi bật lên bất cứ lúc nào bạn có thể (đang học, làm việc, chơi game, đọc báo, đi xe buýt, thậm chí là cả lúc ngủ… à quên, lúc đi xe máy, xe đạp thì không nên nghe nhé, để đảm bảo cho sự an toàn của bạn khi tham gia giao thông) và không cần để tâm đến nó, không cần biết nó nói gì, chỉ cần biết là có tiếng anh được phát ra ở xung quanh mình và mình nghe thấy, thế là được. Lúc đầu mình cũng thấy rất vô lý, nhưng sau 1 thời gian thì khả năng nghe của mình cải thiện rõ rệt. Bạn nhớ giành ít nhất khoảng 2-4 tiếng 1 ngày cho cách này nhé, không cần nghe quá nhiều loại tài liệu,chỉ cần 1 vài loại và phát đi phát lại cho đỡ nhàm chán là được rồi!

• Xem film, xem TV

Xem film Mỹ, Anh… đều là giọng chuẩn của narrator (người kể chuyện người tường thuật), lại có nguồn từ vựng và cấu trúc rất sát trong giao tiếp, vừa giải trí vừa học, tội gì mà không xem. Các bạn chú ý là với những người mới bắt đầu, chỉ nên xem film có phụ đề tiếng Anh để lúc nào không bám sát được thì xem phụ đề luôn, sau đó dần dần tắt phụ đề đi hoặc không nhìn vào, chỉ khi nào không hiểu mới xem hoặc đoán ý. Chống chỉ định xem các loại phim bạo lực, hành động hay kinh dị vì mấy phim này không có yếu tố giao tiếp mấy, các bạn nên xem các phim tâm lý, tình cảm hài, các series film được tạo ra cho người học tiếng Anh hay những phim mang tính triết lý… Mình hay xem film tài liệu trên Discovery Channel vì vừa được biết những kiến thức mới vừa có giọng rất chuẩn và nghe rất hay, rất cuốn hút. Tuy nhiên các bạn cũng không nên quá tập trung xem film mà chỉ nên xem khoảng 1 ngày 1 tập.

• Luyện chính tả

Thực ra thì mình không biết cái tên nào khác cho cách này, mình chỉ nghĩ ra và chắc là cũng có nhiều người nghĩ ra cách này rồi. Ý tưởng của cách này rất đơn giản: bạn sử dụng 1 file nghe nào đó, nghe và chép ra giấy y nguyên như những gì có trong file. Các bạn nên tìm file nào có transcript hoặc ngắn khoảng 3-5 phút cho đỡ mất nhiều thời gian, 1 ngày làm như thế này khoảng 1-2 lần là được (cách này nghe sẽ rất vững nhưng mất rất nhiều công sức cho việc chép, pause, tua , chép, pause, tua…) Hồi trước, khi mình làm các test, test nào được dưới 6.5 hoặc kém quá mình đều chép lại y nguyên để tìm ra lý do và để luyện khả năng nghe.

b) Speaking

Kỹ năng quan trọng các bạn cần cho speaking là phản xạ. Nghe có vẻ không liên quan nhưng đây là thứ rất quan trọng. Một câu hỏi được đưa ra, yêu cầu bạn phải trả lời trong 10-15 giây, nếu bạn chỉ trả lời yes/no thì chắc chắn kết quả sẽ rất thấp, nhưng nếu bạn suy nghĩ rộng ra 1 chút, trả lời sâu thêm 1 chút, mở rộng ý và đưa ra lý do hoặc suy nghĩ của bạn thì chắc chắn điểm của bạn sẽ cải thiện 1 cách đáng kể.

Tuy nhiên để được điểm cao, các bạn phải có nguồn kiến thức về các idioms, collocations, phrasal verbs, cách phát âm, 1 nguồn từ vựng rộng lớn trên các lĩnh vực vì chủ đề cho loại này là vô vàn các thứ xung quanh ta và biết cách liên kết tất cả chúng lại trong các ngữ cảnh cụ thể. May mắn là việc học những thứ mình nêu trên cũng sẽ giúp bạn củng cố được điểm số của bạn trong các bài writing và reading vì học tiếng Anh nhìn chung đều phải biết những thứ đó và khi ta nắm vững được thì không sợ gì cả.

Để có thể luyện tập kĩ năng này, các bạn có thể sử dụng những cách sau:

• Luyện nói bằng tiếng Anh trong tất cả các trường hợp giao tiếp cơ bản ở nhà hay trong thực tế.
• “Nhại” lại cách trả lời trong 1 số trường hợp cụ thể (thường thì chỉ có thể trả lời như vậy trong những trường hợp này).
• Tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh và tích cực nói, đưa ra các ý kiến để nâng cao sự tự tin trong khi nói (sự tự tin là rất quan trọng vì rất nhiều người mất bình tĩnh khi lần đầu tiên đối mặt với examiner và kết quả là nói lắp bắp, không thành lời…)
• Tự quan sát và ghi lại cách mình nói, tìm ra yếu điểm…
• Tìm ra 1 vài người bạn có cùng chung mục đích, học nhóm sẽ tăng sự tự tin và khả năng giao tiếp đồng thời giúp bạn biết được nhiều ý tưởng trong các trường hợp nói hơn.

Do chưa biết được tầm quan trọng của việc học Speaking từ đầu nên mình chỉ có 10 ngày để tập trung học Speaking, may mà nhờ đó mà kết quả cũng khả quan hơn 1 chút.

c) Reading

Có nhiều người lầm tưởng rằng khi học reading, chúng ta sẽ phải đọc hết bài từ đầu đến cuối rồi trả lời các câu hỏi. Thời gian đầu, với những bài đọc dễ, mình cũng bị rơi vào tình trạng lầm tưởng như thế này, kết quả là với những bài đọc dài và khó, gồm nhiều từ mới và câu phức tạp, mình làm rất tệ với thời gian gấp đôi thời gian cho phép mà vẫn gần như không hiểu gì. Sau đó mới biết rằng cách học đó là sai lầm và phải luyện tập đúng cách lại từ đầu, rất mất thời gian.

Kĩ năng quan trọng nhất là Scan và Skim: công việc của các bạn là phải đọc tiêu đề của bài đọc trước, sau đó đọc lướt qua các câu hỏi và quay vào trả lời luôn. Nghe tưởng chừng như là điều không thể nhưng với kỹ năng Skim, các bạn cần tìm và nhận ra keywords trong câu hỏi và Skim (lướt) qua toàn bài đọc rồi Scan (tìm) sự xuất hiện của chúng trong toàn bộ bài đọc hoặc các từ đồng nghĩa với chúng. Cấu trúc của bài đọc IELTS được trình bày rất khoa học, các câu hỏi gắn với bài sẽ theo trình tự từ trên xuống nên các bạn cứ scan từ trên xuống dưới, mỗi khi tìm được một manh mối thì phải đọc qua rồi chuyển qua manh mối khác, sau đó dựa vào các dữ kiện và yêu cầu của đề bài rồi mới trả lời câu hỏi.

Các câu hỏi trong IELTS có rất nhiều bẫy về manh mối, và bẫy về kiến thức của bạn, có 1 số kiến thức bạn biết là đúng hoặc sai nhưng trong bài không nêu ra và câu hỏi đặt ra là True/ False/ Not Given thì bạn hãy chọn là Not Given chứ không phải là True hay False. Tiếp theo là bẫy về thời gian và từ vựng, 1 bài đọc IELTS thường có từ 2.500-3.000 từ mà bạn sẽ phải đọc 3 bài trong 1 tiếng, nhiều bạn phân bổ thời gian là 20-20-20, và sẽ mất thời gian ở 2 bài cuối. Vì bài đọc IELTS bao gồm rất nhiều từ mới theo mức độ từ dễ đến khó (passage 1, passage 2 và passage 3 là khó nhất) nên bạn cần phân bổ 15-20-25 cho các bài này và vì lý do áp lực phòng thi nên trong lúc tự luyện, phân bổ 12-15-22 là hợp lý nhất, các bạn sẽ có thừa 11 phút để đọc lại và tập trung cho các câu khó. Và điều cần ghi nhớ cuối cùng là làm đến đâu các bạn cần phải ghi ngay đáp án vào Answer Sheet vì có nhiều bạn cuống quá, hết giờ mới nhớ ra mà không kịp, thế là bị điểm kém. Lúc đó thì chỉ còn biết trách mình thôi.

d) Writing

Yêu cầu đầu tiên của Writing là các bạn cần phải biết cách phát triển các luận điểm và có đủ khả năng ngôn ngữ để diễn đạt chúng. Việc khai triển các luận điểm thì bạn có thể tập trong quá trình học speaking hoặc dùng mind map nhưng nhớ là tất cả những gì bạn nghĩ đều phải bằng tiếng anh chứ không được suy nghĩ bằng tiếng việt rồi dịch words by words, bài viết của các bạn sẽ bị trừ điểm rất nặng. Tiếp theo là không nên lặp từ và các bạn cần paraphrase phần mở bài, không nên có quá nhiều từ ngữ, làm thế nào cho càng mạch lạc, cụ thể càng tốt. Có 1 số mẫu câu mà các bạn cần phải biết hoặc liên từ nối ý để làm bài văn rõ ràng hơn. Nhớ kỹ rằng không được sử dụng idioms trong bài Writing (vì informal).

Cuối cùng là “Practice makes perfect”, các bạn càng tập viết nhiều, điểm của các bạn càng tốt, đừng quên rằng chữ viết cũng ảnh hưởng đến điểm số của bạn, trong thang điểm writing có chia ra 4 mục là Task Achievement, Coherence/ Cohesion, Lexical Resource và Grammatical Range and Accuracy, các bạn nên từ đó mà vạch ra chiến lược cụ thể cho bài Writing của mình.

Nhìn chung thì việc học tiếng Anh chủ yếu tập trung vào việc luyện nghe và nói, nếu bạn làm chủ được 2 kỹ năng này thì 2 kỹ năng còn lại với bạn không phải là 1 vấn đề lớn với bạn.

3. Một số kiến thức mà các bạn cần lưu ý trong quá trình làm chủ cả 4 kỹ năng

a) Vocabulary

Trong tiếng Anh có rất nhiều từ nhưng có khoảng 3.000 từ thông dụng, với 3.000 từ này các bạn có thể làm chủ giao tiếp trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng với IELTS hay TOEFL,TOEIC… thì các bạn còn phải biết nhiều hơn thế, đó là những academic words cho các trường hợp chuyên sâu. Càng nhiều từ bạn biết, khả năng bạn giành được điểm cao càng lớn. Việc học vocabulary rất đơn giản, nếu như mỗi ngày bạn đọc 1 bài đọc, bạn sẽ tìm ra được 3-5 từ mới (thậm chí nhiều hơn), lợi ích của việc này là vừa nâng cao khả năng đọc vừa biết được trường hợp cụ thể cho những từ ngữ này. Việc còn lại của bạn là đoán nghĩa, sau đó chép vào 1 quyển sổ hay tờ giấy, lấy từ điển ra tra. Có nhiều loại từ điển như Oxford, Babylon… nhưng mình khuyên bạn vẫn nên có 1 cuốn đại từ điển Anh-Anh-Việt để thuận tiện hơn trong việc tra cứu. Thình thoảng lúc nào rảnh rỗi có thể giở ra và tự ôn lại, lúc nào bạn làm bài Writing hay Speaking, nhớ để list đó trước mặt và cố gắng dùng càng nhiều càng tốt (nhưng không được lặp từ) chỉ cần khoảng 1 tuần là sẽ quen với việc này, lúc đó kiến thức của bạn sẽ rộng hơn rất nhiều. Áp dụng phương pháp này, mình đã học được hơn 520 từ academic trong 3 tuần và lúc đi học thêm được giáo viên khen là có nguồn từ vựng khá tốt.

b) Pronunciation/Accent

Lúc trước mình cứ nghĩ đọc được từ là xong, biết cách phát âm là có thể ghi điểm nhưng sự thực không phải vậy, trong bài Speaking, các examiner còn kiểm tra xem giọng điệu của bạn có tự nhiên không hay là cứ đều đều như 1 cái máy. Giọng điệu của bạn càng trôi chảy, tự nhiên thì giọng càng giống thật và càng được điểm cao. Việc luyện tập cái này hơi khó và cần sự kiên trì thay đổi nhưng 1 khi đã thay đổi được thì điểm bạn sẽ rất cao.

c) Grammar

Học tiếng Anh thì tất nhiên là phải biết grammar rồi. Việc làm chủ được các cấu trúc khó trong bài kiểm tra của bạn càng làm cho bài viết/nói của bạn được đánh giá cao. Tuy nhiên các bạn cần biết cách kết hợp giữa câu phức tạp và câu đơn giản để tạo thành 1 thể thống nhất, mạch lạc và dễ hiểu, mỗi câu không nên dài quá (khoảng 3 dòng là đẹp) Cần có các câu chốt ý (khoảng nửa dòng đến 1 dòng là đẹp).

d) Tips and Tricks

Thực ra thì mình hết cái để nói rồi nên cho thêm mục này! Nói đơn giản ra là trong khi làm bài, các bạn cũng nên biết và sử dụng 1 số tips và tricks để đạt điểm số cao nhất có thể khi “bí” ví dụ như lúc nói mà hết ý thì có thể chèn thêm 1 số câu để câu giờ như là “I couldn’t agree more”, “Well, let me see …” hoặc “Well, where was I?” hoặc trong Writing thì sẽ có 1 số mẫu câu nhấn mạnh và dài dòng hoặc đoạn kết dài dòng nếu hết ý. Trong listening hoặc Reading thì thường những câu khó sẽ cho ra những cái bẫy mà mình tưởng là dễ nên không chọn mà chọn những cái khó hơn.

Cuối cùng là may mắn và bình tĩnh nữa.

Nguồn: Thầy Vĩnh Huy

Facebook Comments
Please follow and like us:
0

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *